THỊ TRƯỜNG / 'Pin mặt trời hết hạn sẽ đưa lên mặt trăng hay nướng bò một nắng?'

'Pin mặt trời hết hạn sẽ đưa lên mặt trăng hay nướng bò một nắng?'

Cần cắt giảm mạnh hơn nữa chi thường xuyên

Mở đầu phiên làm việc buổi chiều, đại biểu Dương Văn Thống (Yên Bái) cho rằng chỉ số tăng trưởng kinh tế có thể chậm hơn, nhưng cần bền vững, hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trước. “Không nhất thiết đặt ra chỉ tiêu cao, sau đó điều chỉnh liên tục”, ông nói.

Về vấn đề ngân sách Nhà nước, đại biểu tỉnh Yên Bái cho rằng các khoản chi thường xuyên bắt đầu giảm trong những năm qua nhưng vẫn rất cao. Nhiều khoản chi lãng phí, trong khi có thể tiết kiệm để đầu tư phát triển.

“Cần rà soát, cắt giảm mạnh hơn nữa chi thường xuyên”, ông Thống nói.Khó chấp nhận với năng suất lao động của Việt Nam

Tập trung nói về vấn đề tăng trưởng kinh tế, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) dẫn số liệu năm 2017, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội của Việt Nam là 6,81%. Đây là mức tăng trưởng cao so với chỉ tiêu đặt ra nhưng rất thấp so với các nước trong khu vực.

Năm 2019, năng suất lao động ở Việt Nam đã cao hơn so với 2 năm trước, nhưng vẫn chưa thể vượt qua các nước bạn như Lào, Campuchia, Myanmar… “Nếu cả nước ta và nước bạn giữ tốc độ tăng trưởng như hiện nay, sau khoảng 20 năm nữa, năng suất lao động của nước ta mới bằng được với nước bạn. Điều này là khó chấp nhận”, ông Minh nói.

Do đó, ông Minh cho rằng kinh tế Việt Nam đòi hỏi sự bứt phá hơn nữa. Cùng với đó, việc đảm bảo an ninh năng lượng giảm thiểu biến đổi khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường thông qua các hoạt động tạo ra năng lượng nhiệt điện than, điện gió cũng cần được lưu tâm.

Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 1

Tỷ lệ rừng tự nhiên tăng nhưng nhiều rừng nghèo kiệt

Được chủ tọa điều hành phiên thảo luận mời phát biểu ý kiến, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường giải thích rõ hơn băn khoăn của đại biểu Quốc hội về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, Bản Mồng.

Riêng ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị nói rõ về tỷ lệ rừng tự nhiên hiện nay, tư lệnh ngành nông nghiệp cho biết 30 năm qua, Việt Nam tăng tỷ lệ rừng từ 9 triệu ha lên 14,6 triệu ha. Trong đó, riêng rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha.

“Như vậy, so với cách đây 30 năm, diện tích rừng tự nhiên đã tăng nhiều. Nhưng chất lượng rừng tự nhiên chưa được tốt”, Bộ trưởng Nông nghiệp nhìn nhận. Theo ông, trong tổng số 10,3 triệu ha rừng tự nhiên chỉ có 15% rừng giàu về trữ lượng, 50% rừng trung bình và 35% rừng nghèo kiệt.

“Đây là thực tế chúng ta phải có trách nhiệm”, ông Cường nói. Vì vậy, Quốc hội yêu cầu tới đây với rừng tự nhiên phải bằng chính sách khoanh nuôi, bảo vệ tăng hơn nữa việc người dân tham gia trồng rừng, quản lý, để chăm sóc rừng đảm bảo độ giàu về đa dạng sinh học, trữ lượng cũng được tăng lên. Kể cả 4,3 triệu rừng trồng, tới đây phải thay đổi bằng những cây rừng lâu năm, cơ cấu hài hòa kết hợp với nhóm cây bản địa.

“Chính phủ đã lấy ý kiến các bộ ngành và địa phương về dự án phát triển rừng 2021-2030, tới đây sẽ trình phê duyệt. Chúng ta sẽ cố gắng hết khả năng để có tỷ lệ rừng đảm bảo chất lượng”, Bộ trưởng Nông nghiệp thông tin.

Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 2

Sau phần giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, 3 đại biểu đăng ký tranh luận. Trước hết, ông Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đề nghị Bộ trưởng Nông nghiệp làm rõ dự án Bản Mồng. Qua nghiên cứu, dự án này đã được Bộ phê duyệt và điều chỉnh dự án ngày 28/6/2017.

Theo báo cáo của Bộ trưởng, dự án gồm 2 hợp phần là xây dựng công trình và di dân tái định cư giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng này tăng từ 219 ha lên 313 ha. Theo quy định của luật đầu tư công, nếu chuyển đổi mục đích sử dụng từ 50 ha rừng phòng hộ đầu nguồn thì phải trình Quốc hội cho ý kiến.

“Như vậy, không hiểu chuyển đổi diện tích rừng phòng hộ lớn như vậy thì căn cứ nào để Bộ ra quyết định phê duyệt dự án”, ông Hạ đặt câu hỏi cho Bộ NN&PTNT.

Ngoài ra, đại biểu tỉnh Bạc Liêu đặt câu cho Bộ trưởng Công Thương, yêu cầu giải trình về việc giải ngân đầu tư công chậm. Bộ này cần làm rõ có phải mắc luật ở đâu không, hay là trong quá trình thực hiện làm chưa hết.

4 tỉnh Tây Nguyên chưa có mét đường cao tốc nào

Đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) nêu vấn đề mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh và khu vực đang thiếu và yếu. Tỉnh có 7 quốc lộ đi qua với hơn 700 km đường và 140 cây cầu. Tuy nhiên, các tỉnh lộ, quốc lộ và đường nội đô đã xuống cấp trầm trọng, có chỗ không lưu thông được như đường 14C.

“Trên địa bàn Đắk Lắk và các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông thuộc Tây Nguyên, 4 tỉnh chưa có một mét đường cao tốc nào”, đại biểu bày tỏ. Ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương nghiên cứu, xem xét có kế hoạch cải tạo, nâng cấp các tuyến giao thông của tỉnh. Đây đều là những tỉnh nghèo, ngân sách không đủ khả năng bố trí.

Ông Hữu cũng mong muốn Chính phủ chỉ đạo để các tỉnh Tây Nguyên sớm có các tuyến cao tốc nối xuống duyên hải miền Trung như Đắk Lắk - Nha Trang, Đắc Nông - Bình Phước, Gia Lai - Bình Định, Kon Tum - Quảng Nam. Đây là những tuyến huyết mạch giúp hàng triệu tấn hàng hóa của Tây Nguyên lưu thông cho thị trường trong nước và quốc tế.

Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 3

Cần có kịch bản về dịch Covid-19 cho năm 2021

Ông Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng cần đưa ra các kịch bản về dịch Covid-19 trong năm 2021 để có phương án điều chỉnh cho phù hợp. Kịch bản 1, vắc-xin điều trị có hiệu quả, dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi. Nếu điều này xảy ra, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt trên 6% là khả thi.

Kịch bản 2, vắc-xin không hiệu quả, dịch bệnh tiếp tục bùng phát, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ có thể đạt cao nhất 4-5%. Để kiểm soát dịch bệnh tốt, đại biểu Ngân cho rằng cần đầu tư nhiều hơn cho y tế cơ sở, y tế công cộng và y tế dự phòng, đặc biệt là các trung tâm kiểm soát dịch bệnh.

Ngoài ra, ngành y tế cần có sự liên kết với các trung tâm kiểm soát bệnh tật quốc tế để học hỏi, trao đổi thông tin. Bên cạnh việc kiểm soát dịch bệnh, biến đổi khí hậu khắc nghiệt cũng là bài toán cần lưu tâm vì năm nào nước ta cũng hứng chịu hậu quả của lũ lụt, thiên tai. Do đó, ông Ngân đồng ý với kiến nghị Chính phủ trích một phần trong quỹ dự phòng 35.000 tỷ để chi cho các địa phương đang hứng chịu hậu quả do thiên tai.

“Tuy nhiên, để giải quyết bài toán lũ lụt một cách căn cơ, tôi cho rằng cần lên phương án quy hoạch cụ thể và chuyển người dân đến nơi an toàn”, ông Ngân đưa ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) đánh giá tình hình kinh tế khi đại dịch vẫn đang hoành hành chưa có dấu hiệu khởi sắc. Ông cho rằng mức độ lây lan ở các nước trên thế giới vẫn rất phức tạp, cứ 3 ngày lại có thêm 1 triệu người nhiễm Covid-19. Ông Nhấn cho rằng tỷ lệ số người đang điều trị Covid-19 trên 1 triệu dân là chỉ số quan trọng phản ánh tình trạng kiểm soát dịch của một đất nước.

Theo ông Nhân, có thể coi mức 10 người trên 1 triệu dân là ngưỡng an toàn dịch trên thế giới và có thể áp dụng cho một quốc gia. Tuy nhiên, thế giới đang ngày càng xa ngưỡng an toàn dịch với tỷ lệ tăng dần, đến nay đã hơn 1.000 người điều trị trên 1 triệu dân.

"Diễn biến dịch sẽ tiếp tục phức tạp trong năm 2021-2022 với tâm dịch lớn là châu Âu và Mỹ", ông Nhân nói và cho biết ở Việt Nam, nước ta cũng trải qua 2 làn sóng lây nhiễm, tổng số ca nhiễm là 1.200 người. Song, tỷ lệ người đang điều trị/ 1 triệu dân của nước ta luôn thấp hơn mức an toàn của thế giới đến 50%.

“Việt Nam có lây nhiễm cục bộ, có dịch ở Quảng Nam, Đà Nẵng, nhưng về tổng thể chúng ta không có dịch toàn quốc”, ông Nhân nói.

Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 4

“Thu từ đất không khác gì hút dầu, xúc than lên để bán”

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) ghi nhận thành tựu kinh tế xã hội năm 2020. Trong đó, kết quả lĩnh vực tài chính ngân sách rất quan trọng để duy trì kinh tế vĩ mô. “Bức tranh tài chính ngân sách năm 2020 kém hơn nhưng nhìn tổng thể cả giai đoạn thì có cố gắng và vững chắc hơn giai đoạn trước”, ông Lâm đánh giá.

Theo ông, thu chi ngân sách đã được cơ cấu lại, tái cơ cấu đầu tư công không ngừng được cải thiện, quy mô thu ngân sách 5 năm tăng 1,58 lần, trong đó thu nội địa tăng chiếm tới 81,6% so với 68,7% GDP của giai đoạn trước, giảm tính phụ thuộc của ngân sách vào tài nguyên và các yếu tố bên ngoài. Nợ Chính phủ giảm từ 52,7 xuống 48%, nợ nước ngoài quốc gia từ 49% xuống 47% GDP vào 2020.

Từ đó Chính phủ mới có dư địa để năm nay ứng phó với tình hình đặc biệt khó khăn khi dịch bệnh phát sinh.

Về giải pháp xử lý phát sinh trong điều hành ngân sách của Chính phủ, ông Lâm đánh giá là phù hợp. Trong đó có việc tăng bội chi so với dự toán đầu năm để bù đắp hụt thu khi thực hiện các chính sách hoãn, giảm, miễn hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo nguồn lực chi cho phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng. Đặc biệt, giữ cho nền kinh tế không bị đổ vỡ sau đại dịch.

Về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021, đại biểu Bắc Giang góp ý Chính phủ xây dựng dự toán thu có vẻ quá thận trọng. “Dự báo kinh tế nước ta còn khó khăn đầu nhiệm kỳ nhưng được đánh giá là khá sáng sủa, thậm chí được coi là 'ngôi sao đang lên' trong các nền kinh tế thế giới. Sự thận trọng này sẽ làm kinh tế tăng trưởng dưới mức tiềm năng, khó khăn cho cơ cấu lại nền ngân sách”, ông Lâm nêu ý kiến.

Ông cũng cho rằng chính sách thu cần được điều chỉnh vì thời gian qua khả năng huy động của ngân sách giảm tương đối, phát sinh nhiều bất cập. Với nguồn thu từ đất có ý nghĩa hỗ trợ địa phương phát triển nhưng để khai thác bền vững, lâu dài thì lại phát sinh vấn đề. Trong khi ngân sách Trung ương phải giảm nguồn thu từ tài nguyên thì thu từ địa phương lại phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ đất.

“Thu từ đất không khác gì hút dầu, xúc than lên để bán”, ông Lâm nói và cảnh báo việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên này có thể làm suy giảm nguồn dự trữ cho tương lai. Mặt khác, sự dễ dãi, lỏng lẻo trong khai thác sẽ dẫn đến sự dễ dãi trong sử dụng, thậm chí đưa cả vào những dự án không thật cần thiết, gây lãng phí lớn.

Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 5

Thu ngân sách thấp nhất 10 năm gần đây

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo làm rõ 4 nhóm vấn đề: Dự toán NSNN năm 2020; đánh giá tài chính ngân sách 5 năm 2016-2020; dự toán NSNN năm 2021 và kế hoạch tài chính ngân sách 2020-2025. Theo tư lệnh ngành tài chính, dự toán thu NSNN năm 2020 được xây dựng trên tinh thần quyết tâm cao, hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu KTXH. Dự toán được xây dựng trên cơ sở dự kiến tăng trưởng kinh tế 6,8%, lạm phát dưới 4%, kim ngạch xuất khẩu tăng 7%, kim ngạch nhập khẩu tăng 9%.

Nhưng bước vào 2020, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu tư thương mại và tài chính toàn cầu. Trong điều kiện Việt Nam hội nhập sâu rộng, ảnh hưởng của đại dịch là rất lớn đến tất cả ngành, lĩnh vực, triển khai kế hoạch phát triển KTXH. Bên cạnh đó thiên tai ngay từ đầu năm như mưa đá, lũ quét, lũ ống và mưa lũ ở miền Trung đã gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống của nhân dân. Để thực hiện được mục tiêu kép, Chính phủ đã trình Quốc hội và ban hành hàng loạt chính sách tài khóa.

“Các chính sách này đã góp phần giảm, giãn khoảng 100.000 tỷ đồng nghĩa vụ nộp NSNN, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về dòng tiền, tăng tỷ lệ vốn cho doanh nghiệp”, ông Dũng đánh giá.

Song, cũng từ chính sách đó, số thu ngân sách 10 tháng đầu năm phản ánh khá rõ khó khăn của doanh nghiệp và tác động của các chính sách miễn, giảm thuế, phí.

“Thu ngân sách 10 tháng đầu năm đạt 75,2% dự toán - giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây”, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.

Trong đó ông cho biết một số địa phương có số thu lớn điều tiết về ngân sách Trung ương nhưng tỷ lệ 10 tháng đầu năm rất thấp như Hà Nội 70,1%, TP.HCM 64,8%, Vĩnh Phúc 60,8%, Đà Nẵng 56,4%... Bên cạnh các giải pháp miễn, giảm, hoãn thuế cho doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu, chống thất thu và chống chuyển giá.

Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 6

Nữ đại biểu tranh luận với hai bộ trưởng

Tranh luận với Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Ksor H'Bơ Khăp (Gia Lai) cho rằng việc tăng diện tích rừng từ 9 triệu lên 14,6 triệu là con số phấn khởi. Tuy nhiên, đại biểu cảm thấy con số Bộ trưởng đưa ra là vô lý và “có gì đó thực sự là sai sai”.

Trong nhiệm kỳ này, mỗi kỳ họp đại biểu Quốc hội đều được nghe các dự án, công trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Tức là chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ (rừng tự nhiên).

“Làm gì có chuyện rừng tự nhiên lại có thể tăng lên được, làm gì có con số 14 triệu ha rừng ấy! Với cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỷ lệ che phủ rừng hay sao?”, nữ đại biểu đặt vấn đề.

Theo đại biểu tỉnh Gia Lai, rừng là nơi chứa CO2 để thải ra O2. Còn cây cao su là cây hút O2, thải ra CO2, không con gì có thể sống được ở đó. Vì thế, bà đề nghị Bộ trưởng Cường nghiên cứu lại các dự án phải điều chỉnh diện tích rừng tự nhiên.

Trong phần tranh luận, đại biểu đại biểu Ksor H'Bơ Khăp cũng đánh giá phần giải trình của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh diễn ra vào sáng nay là "chưa làm đúng trách nhiệm của mình".

“Bộ trưởng không thể đổ cho địa phương, cũng không thể nói rằng có quy định của luật về việc xử lý hoặc là chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm xử lý pin năng lượng mặt trời. Cái nhân dân cần là người đứng đầu ngành công thương phải đưa ra được phương án gì đối với vấn đề liên quan đến pin năng lượng mặt trời”, đại biểu nói.

Đại biểu đoàn Gia Lai thông tin hiện nay cán bộ và nhân dân địa phương rất hoang mang với những vấn đề liên quan đến pin năng lượng mặt trời. “Ngay cả bản thân tôi cũng rất lo lắng với việc phát triển tràn lan năng lượng mặt trời ở Gia Lai. Bởi sau này, pin đó hết hạn sử dụng thì để làm gì? Những tấm pin đó được xử lý thế nào, đưa lên mặt trăng hay để nướng bò một nắng - đặc sản ở Gia Lai chúng tôi hay sao!”, đại biểu Ksor H'Bơ Khăp nói thêm.

Quoc hoi thao luan kinh te xa hoi anh 7

Đề xuất ngày Quốc tang cho nạn nhân tử nạn vì thiên tai

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng thời gian qua, ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thảm họa thiên tai gây bức xúc cũng như sự xúc động cho người dân cả nước. Phần lớn phát biểu của các đại biểu quốc hội liên quan đến các giải pháp về hai nội dung này.

Qua nghiên cứu, bà Ngân cho biết nhiều nước đã có ngày quốc tang cho những nạn nhân tử nạn vì thiên tai, dịch bệnh.

“Tôi trân trọng đề nghị Chính phủ, Ban Bí thư và Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo cấp có thẩm quyền, xem xét bổ sung quy định quốc tang cho đồng bào tử nạn do thiên tai. Điều này tạo ra sự đồng thuận, chia sẻ của Nhà nước đối với người dân”, bà Khánh đề xuất.


Những bài viết liên quan
Tin mới nhất
ĐẠI DIỆN LÃNH ĐẠO

HỒ QUANG