DỰ ÁN / Sử dụng năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng

Sử dụng năng lượng mặt trời tại Đà Nẵng


TP Đà Nẵng vừa hoàn thành ba năm triển khai Dự án Phát triển Năng lượng mặt trời (DSED) do cơ quan của Liên hiệp châu Âu (EU) tại Việt Nam tài trợ, với những kết quả khả quan. Nhiều nhận xét cho rằng, thành phố vẫn còn tiềm năng rất lớn và cần nhiều chương trình hơn nữa để thúc đẩy nhu cầu sử dụng năng lượng mặt trời (NLMT), tiết kiệm điện và hướng tới môi trường xanh.

Tiếp cận nguồn năng lượng sạch

Dự án DSED được thực hiện từ năm 2017 - 2020 với tổng vốn 444.169 euro (khoảng hơn 12 tỷ đồng), được Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng tiếp nhận. Sau ba năm triển khai, dự án đã lắp đặt 14 hệ thống điện NLMT áp mái, với tổng công suất lắp đặt 70,4 kWp. Mỗi năm, tổng sản lượng điện tạo ra đạt 102.784 kWh, mỗi hệ thống tại các cơ sở công sẽ tiết kiệm được 26 triệu đồng và 8,6 triệu đồng tại hộ gia đình. Dự kiến thời gian hoàn vốn tám năm/hệ cơ sở công và sáu năm/hệ tại hộ gia đình.

Đầu năm 2020, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (phường An Hải Đông, Sơn Trà) đã được dự án DSED hỗ trợ lắp đặt điện NLMT tại dãy nhà công nghệ thông tin và thực hành tin học. Theo thống kê ba tháng đầu cho thấy, tổng sản lượng điện tạo ra đạt 4.398 kWh, tiết kiệm 20 - 25% tổng nhu cầu sử dụng điện. “Đây là mô hình thực tế để giáo dục cho học sinh việc sử dụng tiết kiệm điện, hướng tới môi trường xanh. Đồng thời, qua đây các em cũng thấy được việc ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật tiên tiến để sản xuất được nguồn năng lượng sạch, bền vững, hạn chế phát thải CO₂ để đối phó biến đổi khí hậu. Nhà trường mong muốn được tiếp tục mở rộng lắp đặt hệ thống trên mái các khu khác thuộc khuôn viên trường học”, ông Phạm Tấn Ngọc Huy, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám chia sẻ.

Ngoài ra, dự án cũng đã đẩy mạnh nâng cao năng lực và trao đổi kiến thức về phát triển NLMT tại các tỉnh khu vực duyên hải miền trung như Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận... Các khóa đào tạo cho cán bộ quản lý, các nhà đầu tư, hộ gia đình và sinh viên đã góp phần nâng cao nhận thức về sử dụng nguồn NLMT vào đời sống, từ đó thúc đẩy nhu cầu lắp đặt hệ thống điện NLMT rộng khắp.

Bà Nguyễn Thị Thu, Quản lý dự án DSED cho biết, qua thực tế khảo sát, việc lắp đặt hệ thống điện NLMT tại các bệnh viện, trường học và hộ gia đình đã giúp cho 4.000 bệnh nhân, giảng viên và học sinh được hưởng lợi từ dự án, mỗi năm tiết kiệm khoảng 153 triệu đồng. Hiện nay, cả 14 hệ thống điện lắp đặt từ dự án đều hoạt động tốt và việc công nghệ phát triển sẽ giúp hiệu suất năng lượng tạo ra càng hiệu quả hơn, góp phần lan tỏa và nhân rộng ứng dụng nguồn NLMT sạch và bền vững tại Đà Nẵng.

Nhiều tiềm năng phát triển

Hiện nay, có ba loại hình lắp đặt hệ thống điện mặt trời (ĐMT) trên mặt đất, trên mặt nước và trên mái nhà. Đối với ĐMT trên mái nhà, theo số liệu tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB), tiềm năng lý thuyết về tổng diện tích khả dụng lắp đặt ĐMT áp mái của Đà Nẵng là 1.285 km², với tổng 1.140 MW, điện năng tạo ra hằng năm khoảng ba triệu MWh. Với số giờ nắng trung bình 2.100 giờ/năm, cường độ bức xạ trung bình 4,89 kWh/m²/ngày, Đà Nẵng có tiềm năng lớn để phát triển ĐMT. Tuy nhiên, thực tế lắp đặt ĐMT trên mái nhà của Đà Nẵng trong thời gian qua còn rất thấp. Nguyên nhân là do cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển ĐMT trên mái nhà của cấp có thẩm quyền còn nhiều hạn chế. Chi phí đầu tư còn cao, thời gian thu hồi vốn tương đối dài. Các tổ chức, doanh nghiệp, người dân thiếu thông tin về lợi ích của ĐMT, còn chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan gặp nhiều lúng túng, vướng mắc trong việc hỗ trợ phát triển.

Lấy trọng tâm là công nghệ cao và năng lượng sạch, đặc biệt với chủ trương xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường”, TP Đà Nẵng đã và đang có những chương trình về NLMT trong thời gian tới, như ban hành Đề án Phát triển ĐMT trên mái nhà với tổng kinh phí thực hiện hơn 425 triệu đồng; tiếp tục nâng cấp, phát triển các sản phẩm của dự án DSED; xây dựng sàn giao dịch công nghệ về NLMT để giới thiệu, quảng bá đến cộng đồng dân cư. Ngoài ra, nhằm thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11-2-2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành ủy Đà Nẵng cũng đã ban hành Chương trình số 49-CTr/TU ngày 26-5-2020. Trong đó, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển các dự án phát điện sử dụng năng lượng tái tạo nối lưới. Ưu tiên phát triển ĐMT áp mái tại các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, mái nhà xưởng, trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng... Giai đoạn 2020 - 2025 đạt từ 80% đến 90% trên tổng số các trụ sở công tại địa bàn thành phố. Khuyến khích doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp lắp đặt ĐMT trên mái nhà xưởng.

Ông Thái Bá Cảnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng cho biết, trong thời gian tới, TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình, đề án để sử dụng năng lượng hiệu quả thông qua ứng dụng năng lượng tái tạo với các hoạt động thiết thực. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng cơ chế hỗ trợ để có thêm nhiều hộ gia đình sử dụng NLMT trên địa bàn thành phố.

Những bài viết liên quan
Tin mới nhất
ĐẠI DIỆN LÃNH ĐẠO

HỒ QUANG