THỊ TRƯỜNG / Khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo ở cực nam Trung Bộ (Kỳ 1)

Khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo ở cực nam Trung Bộ (Kỳ 1)


Hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận có tiềm năng năng lượng gió và mặt trời cao nhất cả nước. Tốc độ gió và bức xạ nhiệt cao, ổn định, rất thuận lợi để phát triển điện gió, điện mặt trời (ĐMT). Lĩnh vực này thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Nhiều dự án ở hai tỉnh vùng cực nam Trung Bộ này đã phát điện lên lưới điện quốc gia, nhiều dự án khác đang tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, thực tế phát sinh một số vấn đề cần giải quyết rốt ráo để việc khai thác nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) này hiệu quả, lâu dài…

Bài 1: Những cánh đồng…năng lượng

Biến điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt thành lợi thế để khai thác nguồn NLTT vô tận, đến nay, nhiều nơi ở Bình Thuận, Ninh Thuận đã xuất hiện những “cánh đồng” điện gió, ĐMT trên những vùng đất khô cằn. Thực tiễn triển khai này là cơ sở để ngành chức năng đề xuất, kiến nghị với Chính phủ xây dựng chính sách về phát triển NLTT của nước ta.

Tiên phong đầu tư điện gió

Cuối năm 2008, dự án Nhà máy Phong điện 1 - Bình Thuận do Công ty NLTT Việt Nam (REVN) làm chủ đầu tư chính thức khởi công tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) với tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng, quy mô diện tích 1.500 ha, tổng công suất 120 MW. Sau gần một năm thi công, vào tháng 8-2009, năm tua-bin gió đầu tiên (công suất 1,5 MW/tua-bin) do hãng Fuhrlaender AG (LB Đức) cung cấp chính thức hòa lưới điện quốc gia. Đến tháng 6-2011, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1, lắp đặt hoàn chỉnh 20 tua-bin gió, tổng công suất 30 MW trên diện tích 150 ha. Những cây “chong chóng” thép khổng lồ mọc trên vùng gió cát khô cằn khiến không chỉ người dân địa phương mà nhiều người có dịp xuôi ngược bắc - nam trên quốc lộ cũng phải trầm trồ, thừa nhận việc biến gió thành điện không phải chuyện viển vông ở nước ta.

Trưởng Văn phòng đại diện REVN tại Bình Thuận Nguyễn Duy Hoàng cho biết, từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà máy luôn vận hành ổn định, an toàn, góp phần làm tăng sản lượng điện quốc gia. Đến nay, sản lượng điện của REVN phát lên lưới điện quốc gia lũy kế hơn 450 triệu kW giờ; doanh thu lũy kế đạt 790 tỷ đồng, làm giảm phát thải khí nhà kính hơn 150 nghìn tấn CO2 và được Ủy ban điều hành quốc tế về CDM (Cơ chế phát triển sạch) cấp chứng nhận.

Bốn năm sau, cũng trên đất Tuy Phong, dự án Nhà máy điện gió Phú Lạc được khởi công xây dựng. Dự án do Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình (EVN TBW) làm chủ đầu tư trên diện tích 400 ha thuộc địa bàn xã Phú Lạc, tổng mức đầu tư 1.089 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT, Giám đốc điều hành EVN TBW Bùi Văn Thịnh tâm sự: “Đầu tư năng lượng sạch phải tìm đến nơi nào có nhiều tiềm năng, đất đai khô cằn để làm mới “sướng”, xã Phú Lạc đáp ứng được các tiêu chí này. Công ty lập dự án tại đây để khai thác tiềm năng NLTT, mong muốn cùng địa phương đưa vùng đất cằn cỗi này trở thành một trung tâm NLTT thân thiện môi trường”. Giai đoạn 1, nhà máy có công suất 24 MW, gồm 12 tua-bin gió V100 của hãng Vestas (Đan Mạch), mỗi tua-bin có công suất 2 MW. Sau hơn 13 tháng thi công, đến giữa tháng 9-2016, toàn bộ 12 tua-bin gió đã chính thức hoạt động và hòa đồng bộ vào lưới điện quốc gia. Mỗi ngày, nhà máy cung cấp cho hệ thống khoảng 200 nghìn kW giờ; đến nay, đã phát lên lưới điện quốc gia gần 200 triệu kW giờ điện.

Không chỉ đầu tư điện gió trong đất liền, cuối tháng 11-2010, Công ty NLTT Điện lực dầu khí Việt Nam, thuộc Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đã khởi công dự án điện gió ở huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận). Dự án có công suất 6 MW, gồm ba tua-bin gió (công suất 2 MW/tua-bin) được đặt trên ba trụ tháp tua-bin, chiều cao mỗi trụ 60 m, tổng mức đầu tư hơn 335 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2013. Cuối năm 2015, Nhà máy điện gió Phú Quý được bàn giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trực tiếp là Công ty Điện lực Bình Thuận quản lý; hoạt động theo cơ chế hỗn hợp điện gió - đi-ê-den, được tính đồng nhất theo giá ở đất liền. Trong số 20 dự án điện gió ở Bình Thuận (tổng công suất 812,5 MW) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; Bộ Công thương phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh và được UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận chủ trương khảo sát, nghiên cứu, ra quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, đến nay, đã có ba dự án đi vào hoạt động với tổng công suất 60 MW. Trong đó, hai dự án ở huyện Tuy Phong nối lưới quốc gia phát điện thương phẩm với tổng công suất 54 MW.

Tại Ninh Thuận, dự án điện gió Đầm Nại khởi công giai đoạn 1 vào tháng 4-2017 trên tổng diện tích 9,6 ha tại hai xã Bắc Sơn, Bắc Phong (huyện Thuận Bắc) và hai xã Tân Hải, Phương Hải (huyện Ninh Hải) với tổng vốn đầu tư khoảng 80 triệu USD. Dự án do Liên doanh Công ty cổ phần TSV (TP Hồ Chí Minh) và Công ty The Blue Circle (Xin-ga-po) làm chủ đầu tư.

Sau năm tháng xây dựng, giai đoạn 1 (kinh phí 15 triệu USD) đã hoàn thành, lắp đặt hoàn chỉnh ba trụ tua-bin có tổng công suất gần 8 MW và hoàn tất hòa mạng lưới truyền tải điện quốc gia. Với tổng công suất 40 MW, đây là dự án đặt nền móng cho chiến lược phát triển NLTT tại Ninh Thuận. Tính đến tháng 6-2019, trên địa bàn tỉnh đã có ba dự án điện gió bước đầu đưa vào vận hành thương mại.

“Bùng nổ” các dự án điện mặt trời

Cuối tháng 8-2018, dự án Nhà máy ĐMT Phong Phú do Công ty cổ phần đầu tư ĐMT (Solarcom) làm chủ đầu tư, công suất 42 MWp với tổng mức đầu tư 974 tỷ đồng được xây dựng trên diện tích 60 ha tại xã Phong Phú, huyện Tuy Phong (Bình Thuận). Sau tám tháng thi công, nhà máy vận hành thử nghiệm và ngày 27-4-2019 chính thức hòa lưới điện quốc gia. Đây là một trong những dự án ĐMT đầu tiên ở Bình Thuận nối lưới quốc gia, phát điện thương mại. Tại Ninh Thuận, vào tháng 4-2019, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam đã tổ chức khánh thành tổ hợp NLTT (ĐMT và điện gió) tổng công suất thiết kế hơn 300 MW (ĐMT 204 MW và điện gió hơn 105 MW), tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng trên địa bàn huyện Thuận Bắc. Đây là tổ hợp NLTT đầu tiên của Việt Nam hòa lưới điện trong năm 2019, được đấu nối trực tiếp với hệ thống điện quốc gia qua Trạm biến áp 220 kV Tháp Chàm. Theo “Quy hoạch phát triển ĐMT tỉnh Bình Thuận giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030” đã được UBND tỉnh Bình Thuận trình Bộ Công thương thẩm định và phê duyệt, đến năm 2020, phát triển ĐMT với tổng công suất 828 MW, năm 2030 đạt 4.520 MW. Đến trước tháng 4-2017, Bình Thuận có năm dự án ĐMT được Bộ Công thương phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh.

Tuy nhiên, từ sau ngày 11-4-2017, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam thì trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã “bùng nổ” các dự án ĐMT. Trong vòng một năm (từ cuối năm 2017 đến cuối năm 2018), đã có 23 dự án ĐMT được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương phê duyệt bổ sung quy hoạch điện lực, nâng tổng số các dự án ĐMT được phê duyệt trên địa bàn Bình Thuận lên 28 dự án, tổng công suất gần 1.312 MW (tương đương 1.646,7 MWp), tổng vốn đầu tư dự kiến 36.746,6 tỷ đồng, diện tích sử dụng đất gần 2.000 ha. Theo Sở Công thương tỉnh Bình Thuận, hiện 26 dự án ĐMT đã có quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Bình Thuận với tổng công suất gần 1.072 MW (tương đương 1.346,7 MWp), tổng vốn đầu tư dự kiến gần 30.300 tỷ đồng. Hiện, 21 dự án đã triển khai thi công với tổng công suất 903,48 MW (tương đương 1.137,5 MWp) với tổng vốn đầu tư hơn 25 nghìn tỷ đồng. Đến ngày 30-6 vừa qua, tất cả 21 dự án này đều hòa lưới điện quốc gia và phát điện thương mại với tổng công suất 903,48 MW, vượt gần 100 MW so mục tiêu Quy hoạch phát triển ĐMT tỉnh Bình Thuận đến năm 2020. Còn tại Ninh Thuận, đã có 30 dự án ĐMT được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và tỉnh với tổng công suất gần 1.967 MW. UBND tỉnh Ninh Thuận đã có quyết định chủ trương đầu tư cho 30 dự án với tổng công suất 1.817 MW, tổng vốn đăng ký hơn 50 nghìn tỷ đồng. Theo Sở Công thương tỉnh Ninh Thuận, đến hết tháng 6 vừa qua, 15 dự án ĐMT với tổng công suất 1.063 MW đã chính thức đưa vào vận hành thương mại.

Đâu là nguyên nhân chính “kích hoạt” các dự án ĐMT ở vùng cực nam Trung Bộ này phát triển nhanh như vậy? Được biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án ĐMT tại Việt Nam, ngày 12-9-2017, Bộ Công thương có Thông tư số 16/2017/TT-BCT quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án ĐMT. Theo Thông tư này, các dự án ĐMT được hưởng cơ chế giá bán điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kW giờ (được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VNĐ/USD). Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án ĐMT nối lưới có ngày vận hành thương mại trước 30-6-2019 theo hợp đồng mua bán điện mẫu được áp dụng 20 năm.

Giá bán điện khá cao trong thời gian dài rất có lợi cho các nhà đầu tư, nên việc bùng nổ các dự án ĐMT là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, do phát triển quá nóng các dự án ĐMT trong thời gian ngắn, đã gây ra không ít hệ lụy. Trước mắt, do hệ thống truyền tải điện trong khu vực cùng lúc không thể tải hết công suất phát điện, do vậy, buộc phải tính toán phân bổ công suất cho các nhà máy điện gió, ĐMT trong khu vực nhằm tránh quá tải lưới điện. Việc này gây ra sự lãng phí lớn nguồn điện sạch lẽ ra cần được ưu tiên, khiến nhiều nhà đầu tư phát triển NLTT, nhất là điện gió không khỏi suy tư, lo lắng,…

(Còn nữa)


Những bài viết liên quan
Tin mới nhất
ĐẠI DIỆN LÃNH ĐẠO

HỒ QUANG