DỰ ÁN / Thêm một kênh cung cấp điện năng hòa vào lưới điện quốc gia

Thêm một kênh cung cấp điện năng hòa vào lưới điện quốc gia


Nhằm khai thác tối đa nguồn năng lượng từ ánh nắng mặt trời, Tập đoàn BIM Group đã khẩn trương xây dựng nhà máy sản xuất điện từ năng lượng mặt trời, biến cánh đồng muối có giá trị kinh tế thấp ở các xã thuộc huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận thành cánh đồng điện mặt trời có quy mô lớn nhất Đông - Nam Á. Cùng với Lễ hội nho Ninh Thuận năm 2019, nhằm thúc đẩy kinh tế - du lịch của Ninh Thuận phát triển, ngày 27-4 Tập đoàn BIM Group sẽ khánh thành và đưa dòng điện từ nguồn năng lượng tái tạo hòa vào lưới điện quốc gia.

Cùng tháo gỡ khó khăn cho nguồn điện quốc gia

Hiện nay, nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng với tốc độ từ 6,5 đến 7,5% mỗi năm, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng nhu cầu năng lượng. Việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia cũng đồng nghĩa việc bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước trong tương lai, khi hai kênh sản xuất là thủy điện và nhiệt điện đang phải chịu tác động từ nhiều phía.

Chiếm gần 40% tổng sản lượng điện quốc gia, ngành thủy điện đang đối diện với nguy cơ thiếu hụt nguồn nước trong mùa khô năm nay. Một số hồ thủy điện tại khu vực miền trung - Tây Nguyên đang gần mực nước chết, mặc dù đang trong giai đoạn tích nước, khiến sản lượng thủy điện sẽ hụt khoảng 3,8 tỷ kW giờ. Thiếu hụt sản lượng từ thủy điện, ngành điện phải chuyển sang bù bằng nhiệt điện than. Theo dự kiến năm 2019, nhiệt điện than sẽ chiếm tới 48% lượng điện của cả nước. Tuy nhiên, do thiếu nhiên liệu buộc các nhà máy nhiệt điện than phải ngừng hoạt động và giảm công suất khoảng 2.300 MW (tương đương với công suất sử dụng điện trung bình của 13 tỉnh miền trung), khiến mục tiêu nêu trên gặp khó khăn.

Việc thủy điện và nhiệt điện gặp nhiều khó khăn, thách thức mở ra cơ hội cho việc phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (NLTT). Việt Nam có lợi thế sở hữu nguồn NLTT đa dạng, với nguồn bức xạ mặt trời chiếm khoảng từ 2.000 đến 5.000 giờ/năm đem lại nguồn năng lượng tiềm năng tương đương 43,9 tỷ TOE (tấn dầu quy đổi). Ngoài ra, 8,6% tổng diện tích lãnh thổ nước ta có tiềm năng gió ở mức cao đến rất cao, đứng đầu khu vực Đông - Nam Á và phù hợp triển khai các tua-bin gió lớn.

Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, năng lượng gió và năng lượng mặt trời có thể cung cấp hai phần ba nhu cầu điện cho toàn bộ hệ thống điện của Việt Nam vào năm 2030. Việc tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo sẽ giúp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia bền vững, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ nước ngoài, cả về than và nhập khẩu năng lượng trực tiếp, thêm nữa là giảm khí thải nhà kính.

Việc các dự án điện từ NLTT tại Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, TS Nguyễn Mạnh Hiến (Hội đồng phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam) đánh giá, nguyên nhân là do theo quy định trước đây, giá mua điện từ các dự án này còn thấp, không hấp dẫn các nhà đầu tư. Từ khi có quy định mới của Chính phủ về giá mua điện NLTT, đã có hơn 11.000 MW điện mặt trời đăng ký đầu tư vào cuối năm 2018. Nhờ những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào NLTT những năm gần đây, dự kiến công suất các nhà máy điện mặt trời, điện gió sẽ vào vận hành cuối năm 2019 này sẽ đạt 2.000 MW, vượt kế hoạch đặt ra.

Hướng đi mới cho ngành điện từ năng lượng tái tạo

Chủ tịch Tập đoàn BIM Group Đoàn Quốc Việt cho biết: “Đón đầu làn sóng thu hút đầu tư của Chính phủ, BIM Energy (thương hiệu mảng năng lượng của BIM Group) trở thành nhà đầu tư tiên phong hợp tác với AC Energy (thuộc Tập đoàn Ayala) phát triển liên doanh BIM - AC Renewables nhằm xây dựng các dự án NLTT tại Ninh Thuận. Bắt tay cùng một trong những tập đoàn lớn nhất Phi-li-pin, BIM Group nâng tầm uy tín và mở rộng tổng quy mô 1.000 MWp điện mặt trời vào năm 2022”.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của BIM Group trong việc đầu tư cho những dự án điện tầm cỡ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Cụm nhà máy năng lượng điện mặt trời BIM 1, 2 và 3, có tổng công suất lên tới 330 MWp của BIM Energy sẽ hòa lưới điện quốc gia là minh chứng cho những nỗ lực của gần 7.000 cán bộ, nhân viên Tập đoàn BIM Group. Đây sẽ là cụm nhà máy năng lượng điện mặt trời lớn nhất Đông - Nam Á, với tổng số hơn một triệu tấm pin năng lượng mặt trời, tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, dự kiến cung cấp cho lưới điện quốc gia một nguồn điện năng khá dồi dào và phát triển bền vững.

Nhận thấy tiềm năng vô cùng to lớn từ nguồn NLTT, TS Đoàn Quốc Huy, Tổng Giám đốc BIM Group cho biết: “Hướng đến phát triển bền vững, BIM Group sẽ tiếp tục tận dụng những thế mạnh sẵn có, mở rộng các điểm đến trên thị trường và tiếp tục hợp tác với các đối tác và nhà thầu quốc tế lớn như JUWI của Đức, Bouygues của Pháp cũng như các nhà thầu trong nước uy tín như TOJI và PPC1 để xây lắp các nhà máy điện mặt trời và điện gió”.

Với việc đầu tư vào năng lượng sạch, BIM Energy sẽ góp phần giảm gần 304.400 tấn CO2 thải ra môi trường mỗi năm, góp phần bảo vệ môi trường, kéo giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính, lượng phế phẩm từ quá trình sinh nhiệt do sử dụng nhiên liệu hóa thạch, từ đó xây dựng nguồn năng lượng bền vững cho tương lai.

Những bài viết liên quan
Tin mới nhất
ĐẠI DIỆN LÃNH ĐẠO

HỒ QUANG