ND - Một vấn đề cấp thiết đặt ra với nhân loại hiện nay là phải tiến hành một cuộc cách mạng đi tìm nguồn năng lượng mới. Nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu và khí đốt có chi phí cao và là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Trong chiến lược năng lượng, một số nước đang cải tiến cơ cấu năng lượng theo hướng giảm dầu mỏ, than đá và củi đốt, tăng tỷ trọng khí đốt và những nguồn năng lượng mới.
Theo dự tính của các chuyên gia, việc tiêu thụ năng lượng trên toàn cầu có thể tăng hơn 30% trong vòng 15 năm tới. Mức tiêu thụ năng lượng ngày càng gia tăng, phần lớn là ở các nước đang phát triển. Hiện nay, các quốc gia đang nỗ lực xây dựng các nhà máy thủy điện, thăm dò, tìm kiếm than đá, dầu mỏ. Nhưng tất cả các nguồn năng lượng truyền thống này chỉ có hạn và có thể không đáp ứng được nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng. Hơn nữa, giá của những loại năng lượng này sẽ ngày càng đắt vì khan hiếm. Một chương trình nghiên cứu môi trường LHQ bắt đầu vào tháng 6 năm ngoái thông báo rằng trên thế giới có khoảng 70,9 tỷ USD được đầu tư vào các loại năng lượng sạch, trong đó khoảng một phần ba số đó là ở Mỹ.
Tuy nhiên, những nguồn có thể tái tạo được này vẫn chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu về năng lượng của thế giới, và nhiều nước đầu tư vào những loại năng lượng như gió và mặt trời. Năng lượng gió và năng lượng tái sinh đem lại một trong những cơ hội kinh tế lớn của thế kỷ 21. Sử dụng "điện gió" sẽ tiết kiệm nguồn năng lượng hóa thạch, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, khắc phục khủng hoảng năng lượng trong tương lai. Dự kiến, sẽ có 1.000 tỷ USD đầu tư vào các dự án năng lượng gió trên thế giới từ nay đến năm 2020, tạo thêm hai triệu việc làm mới.
Hiệp hội Năng lượng gió Canada vừa kêu gọi chính phủ nước này sớm có một khuôn khổ chính sách lâu dài và ổn định để thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sạch, đưa Canada trở thành một cường quốc năng lượng sạch. Theo ông Ho-năn, Chủ tịch của Hiệp hội Năng lượng gió Canada, việc mở rộng và kéo dài chương trình năng lượng tái sinh (ecoENERGY for Renewable Power eERP) phải được đưa vào các kế hoạch kích thích kinh tế cả gói mà chính phủ sẽ công bố cuối tháng này trong dự thảo ngân sách liên bang năm 2009-2010. Chương trình eERP được triển khai trong giai đoạn 2007 - 2009 với mục tiêu xây dựng các nhà máy điện chạy bằng sức gió với tổng công suất 4.000 mê-ga-oát (MW)/ năm, trong đó trung bình mỗi MW cần đầu tư khoảng 2,5 triệu USD từ khu vực tư nhân. Việc phát triển năng lượng từ sức gió cũng mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho các địa phương. Vùng Ga-xpê-di thuộc tỉnh Kê-bếch là một thí dụ điển hình. Việc phát triển năng lượng gió trong những năm qua đã thu hút 63 triệu USD đầu tư vào các cơ sở sản xuất tháp tua-bin gió, chong chóng, động cơ và nhiều thiết bị khác, tạo ra việc làm cho gần 1.000 người. Ngoài ra, còn 1.000 người làm việc tại các công trình xây dựng liên quan năng lượng gió tại Ga-xpê-di mỗi mùa hè. Tuy nhiên, chương trình eERP dự kiến sẽ hết nguồn ngân sách tài trợ vào năm 2009. Hiệp hội Năng lượng gió Canada cũng như một số tổ chức trong ngành công nghiệp năng lượng tái sinh và các nhóm bảo vệ môi trường đang đề nghị Chính phủ Canada kéo dài eERP nhằm sản xuất thêm 8.000 MW điện từ năng lượng tái sinh ở Canada vào năm 2014.
Trong những năm 90 của thế kỷ trước, sự phát triển của ngành năng lượng mặt trời gặp nhiều trở ngại do giá các loại nhiên liệu hóa thạch vẫn ở mức thấp và không nhận được sự khuyến khích từ các chính phủ. Tuy nhiên, việc giá các nhiên liệu truyền thống tăng vọt, những lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu và các biện pháp khuyến khích phát triển năng lượng bền vững đã giúp năng lượng mặt trời thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nước. Theo tính toán, nếu so sánh trên một đơn vị sản lượng điện, các nhà máy sản xuất điện nhờ sử dụng nhiệt bức xạ của mặt trời (CSP) tốn ít diện tích hơn so với nhà máy thủy điện (tính cả diện tích đất ngập lụt) và cả các nhà máy nhiệt điện chạy than (tính cả lượng đất phục vụ khai mỏ).
Mỹ và Tây Ban Nha hiện đang dẫn đầu thế giới về phát triển năng lượng mặt trời với công suất dự kiến đến năm 2012 đạt hơn 5.600MW, chiếm hơn 90% tổng công suất ước tính của toàn thế giới vào năm đó. Sản lượng từ những nhà máy năng lượng mặt trời sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu điện của hơn 1,7 triệu hộ gia đình. Nhận thức lợi ích vô tận của nguồn năng lượng mặt trời, nhiều nước khác như Pháp, Hy Lạp, Italia, Bồ Ðào Nha, Australia, Ai Cập, Iran, Israel, Mexico, Ma-rốc, Nam Phi và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, đang đẩy mạnh phát triển ngành năng lượng sạch và bền vững này. Pháp, Hy Lạp, Italia và Bồ Ðào Nha dự kiến nâng công suất lắp đặt CSP lên 3.200MW vào năm 2020, trong khi Trung Quốc đặt kế hoạch nâng công suất điện từ mặt trời lên 1.000 MW vào cùng thời điểm đó. Ước tính đến năm 2014, công suất điện từ các nhà máy CSP sẽ đạt 6.400MW. Và nếu tốc độ tăng trưởng hằng năm của CSP đến hết năm 2012 được duy trì đến năm 2020, công suất điện sản xuất từ năng lượng mặt trời trên toàn thế giới sẽ vượt mức 200 nghìn MW, tương đương với công suất của 135 nhà máy nhiệt điện đốt than.
Trong nỗ lực nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh, trong bối cảnh lần đầu trong 70 năm qua Toyota kinh doanh thua lỗ do doanh thu giảm mạnh trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là ở thị trường chủ chốt Mỹ, và việc đồng yên tăng giá, Tập đoàn Toyota đang đẩy mạnh chế tạo xe ô-tô chạy bằng năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, nếu xét về lĩnh vực phát triển xanh, Toyota hiện được đánh giá là tập đoàn tiên phong. Các quan chức cấp cao của tập đoàn này cho biết họ sẽ không cắt giảm các hoạt động nghiên cứu về môi trường cho dù đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu hiện nay.
Tập đoàn Toyota đặt mục tiêu trong tương lai sẽ chế tạo những mẫu xe chạy hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời. Ðể thực hiện mục tiêu này, Toyota dự kiến sẽ kết hợp giữa công nghệ phát triển năng lượng của tập đoàn Panasonic, một đối tác của Toyota trong việc phát triển và sản xuất pin hybrid, với công nghệ năng lượng mặt trời của tập đoàn Electric Co., một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này.
Trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án sản xuất pin năng lượng trời có vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD
Doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư điện năng lượng mặt trời tại Đác Lắc
JICA tài trợ vốn cho nhà máy điện mặt trời ở Việt Nam
Doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư điện năng lượng mặt trời tại Đác Lắc
MB tiên phong cấp tín dụng dự án điện gió và điện mặt trời
索比光伏网版权所有 www.solarbe.com