CHÍNH SÁCH / Cà Mau phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng

Cà Mau phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng


Là tỉnh giàu tiềm năng về phát triển các dạng năng lượng tái tạo như: năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối…, thời gian vừa qua, tỉnh Cà Mau đã mạnh dạn thu hút đầu tư nhiều dự án phát triển năng lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Tiếp tục phát huy thế mạnh, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành trung tâm năng lượng khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ðể triển khai, tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án năng lượng tái tạo điện gió và điện năng lượng mặt trời đã được các nhà đầu tư tiếp cận, nghiên cứu, đề xuất thực hiện dự án. Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích các nhà đầu tư nghiên cứu sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn để phát điện; nghiên cứu, đánh giá tiềm năng định hướng phát triển các dạng năng lượng tái tạo khác. Tỉnh chú trọng thu hút phát triển các dự án điện khí và đầu tư hệ thống kho lưu trữ nhiên liệu khí nổi trên biển; đề xuất các dự án điện sinh khối đồng phát từ rơm rạ, phế phẩm rừng sản xuất và nguồn rác thải đô thị, chất thải rắn.

Ðồng thời, quan tâm khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa phát triển năng lượng, phát triển khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng, thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính... Tỉnh đề ra yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân và vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển ngành năng lượng.

* Nhằm tập trung phát triển ngành lâm nghiệp, tỉnh Bắc Giang khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư phát triển rừng sản xuất, nâng cao giá trị của rừng. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 6.000 ha, sản lượng gỗ khai thác đạt 860.000 m3; trong đó, 30% sản phẩm gỗ khai thác đưa vào chế biến sâu phục vụ chính cho xuất khẩu.

Hiện tỉnh duy trì ổn định diện tích rừng trồng sản xuất nguyên liệu gỗ tập trung khoảng 80.000 ha tại các huyện Sơn Ðộng, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế; phấn đấu đến năm 2025, diện tích rừng trồng gỗ lớn đạt 15.000 ha. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường nhiều biện pháp để quản lý, bảo vệ rừng. Cụ thể, các địa phương tiếp tục bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên hiện có; trồng ngay lại rừng sau khai thác, hằng năm, phấn đấu trồng rừng tập trung khoảng 7.200 ha; đồng thời, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh rừng trồng để đến năm 2025, năng suất gỗ đạt 22 đến 25 m3/ha/năm; duy trì tỷ lệ độ che phủ rừng 38%.

Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền đối với quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn; xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với đó, tỉnh quyết liệt thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp; xử lý nghiêm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất lâm nghiệp, trồng rừng trái phép trên địa bàn. Tỉnh cũng sẽ thu hút đầu tư để xây dựng được nhà máy chế biến gỗ với công nghệ hiện đại sản xuất sản phẩm tinh, công suất lớn đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường các nước như: Mỹ, EU, Nhật Bản…; kết hợp phát triển rừng với du lịch sinh thái...


Những bài viết liên quan
Tin mới nhất
ĐẠI DIỆN LÃNH ĐẠO

HỒ QUANG