THỊ TRƯỜNG / Ninh Thuận gặp khó trong phát triển điện mặt trời trên mái nhà người dân

Ninh Thuận gặp khó trong phát triển điện mặt trời trên mái nhà người dân


NDĐT- Chiều 4-3, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức cuộc họp bàn các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, người dân trong tỉnh phát triển dự án điện mặt trời trên mái nhà, vừa sử dụng theo nhu cầu, vừa tích điện để bán cho ngành điện lực, góp phần phát triển năng lượng quốc gia.

Theo báo cáo của Sở Công thương, việc lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà và công tơ hai chiều trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả tích cực ban đầu. Tính đến cuối tháng 2-2019, Công ty Điện lực Ninh Thuận đã lắp đặt 29 dự án cho khách hàng, trong đó, có 14 khách hàng sinh hoạt, tương ứng 22 công tơ một pha; 15 khách hàng ngoài sinh hoạt, tương ứng bảy công tơ ba pha, với tổng công suất 302,75 kWp. Tổng sản lượng điện phát trên lưới là 107.087kWh (điện sinh hoạt: 14.872kWh và ngoài sinh hoạt: 92.260kWh).

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị như: Công ty Điện lực đã lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà, với tổng công suất 100,13kWp; sản lượng phát lên lưới khoảng 62.620kWh; trụ sở Văn phòng UBND tỉnh đã lắp đặt 10kWp; sản lượng phát điện hàng tháng khoảng 1.500kWh (hàng ngày phát khoảng 25kWh); Sở Công thương lắp đặt 5kWp từ tháng 12-2017; sản lượng điện phát hàng tháng đạt 750kWh….

Là tỉnh có số ngày nắng nóng quanh năm, Ninh Thuận có nhiều lợi thế phát triển điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên hiện nay, Ninh Thuận đang gặp một số vướng mắc về cơ chế, chính sách của trung ương, nên đã ảnh hưởng không ít về chiến lược phát triển điện mặt trời trên mái nhà.

Ông Nguyễn Hữu Tiên, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Ninh Thuận cho biết, lợi ích của việc đầu tư dự án điện mặt trời trên mái nhà người dân trong thời gian qua là rất hiệu quả, giúp người dân giảm chi phí sử dụng điện đáng kể; ngành điện cũng giảm được áp lực đầu tư lưới điện, tuy nhiên có một số vướng mắc trong thỏa thuận đấu nối giữa khách hàng bán điện cho ngành điện và ngược lại mà trung ương cần có cơ chế chính sánh để giải quyết, có hướng dẫn cụ thể thì doanh nghiệp, người dân mới an tâm đầu tư. Cụ thể, hiện nay là thủ tục pháp lý, hướng dẫn cách tính, thanh toán mua bán điện giữa ngành điện và khách hàng chưa rõ; Bộ Tài chính chưa có hướng dẫn về cách tính, thanh toán tiền điện giữa hai bên; thuế của khách hàng khi phát điện ngược lên lưới điện để bán cho ngành điện.

Vấn đề này, ngày 27-2, trong một cuộc hội thảo tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đã có kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sớm có hướng xử lý.

“Hiện nay, Công ty chưa thể ký hợp đồng thanh toán tiền điện với 29 khách hàng đã lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà và bán điện cho công ty. Tính từ tháng 6-2018 đến nay, lũy kế điện của khách hàng phát lên lưới điện đã có hơn 100 nghìn kWh (bình quân 18 nghìn kWh/tháng), công ty vẫn đang ghi lũy kết số điện của khách hàng và đợi cho đến khi có hướng dẫn của Bộ Tài chính thì mới thanh toán được cho khách hàng”, ông Nguyễn Hữu Tiên nói.

Vấn đề khác hiện nay là, các dự án này chưa nhận được sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng. Ông Vũ Ngọc Niên, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Ninh Thuận cho biết, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ vốn vay để phát triển điện mặt trời trên mái nhà của người dân, nên sắp tới sẽ kiến nghị trung ương cho ý kiến và có hướng chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng thực hiện.

Đại diện Công ty CP Tư vấn đầu tư và Chuyển giao công nghệ điện mặt trời Ninh Thuận cho biết, đã lắp đặt một vài dự án điện mặt trời trên mái nhà có diện tích 60 m2 cho khách hàng, có công suất 10 kWp, sản lượng điện mỗi ngày là 60 kWh với chi phí 200 triệu đồng. Theo đó, mỗi năm tiết kiệm chi phí sử dụng điện hơn 36 triệu đồng (chỉ tính mười tháng/năm) và trong sáu năm thì hoàn vốn đầu tư, tuổi thọ của dự án hơn 35 năm, có thể bán điện cho EVN trong 20 năm… Với chi phí đầu tư như trên, người dân lãi 15%/năm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu cho biết, lợi ích, hiệu quả của việc đầu tư lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà đã rõ, hiện tại, chủ trương của tỉnh về khuyến khích đầu tư chủ yếu là đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ gia đình có nhu cầu bảo đảm, chủ động nguồn điện trong sản xuất, kinh doanh và có đủ điều kiện tài chính để đầu tư chứ không phải vay 100% vốn của ngân hàng để thực hiện dự án. Với những vướng mắc hiện tại, sắp tới, tỉnh và các ngành sẽ có kiến nghị với trung ương, Bộ Tài chính sớm ban hành hướng dẫn cụ thể nhằm giải quyết kịp thời, tạo an tâm cho các thành phần đã, đang thực hiện dự án.

Với lợi thế về thời tiết nắng nóng quanh năm, tiềm năng phát triển điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà ở Ninh Thuận có rất nhiều thuận lợi. Do đó, Bộ Tài chính cần sớm có hướng dẫn cụ thể để giúp cho tỉnh giải quyết những vướng mắc, góp phần tích cực vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong tương lai.

Những bài viết liên quan
Tin mới nhất
ĐẠI DIỆN LÃNH ĐẠO

HỒ QUANG